[Vietnamnet] Dịch cúm A H1N1 hiện đang nổi lên như một mối quan tâm hàng đầu đối với cộng đồng quốc tế. Tính đến 00h00 ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca mắc cúm A H1N1 đã vượt qua con số 1.000 tại 20 nước trên 5 châu lục. Nhiều nước đã ban bố tình trạng khẩn cấp và WHO cũng đã nhắc đến khả năng đưa cảnh báo về dịch cúm A H1N1 lên mức báo động cao nhất.
Ở Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước cũng đang có những biện pháp tích cực để ngăn ngừa sự xâm nhập của dịch cúm này vào Việt Nam, đặc biệt là ở các cửa khẩu quốc tế. Thế nhưng bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước thì yếu tố quan trọng hơn cả trong việc kiểm soát thành công các đại dịch, mà cúm A H1N1 chỉ là một ví dụ, nằm ở ngay ý thức phòng bệnh của người dân.
Còn nhớ khi xảy ra dịch cúm gà mấy năm trước, người dân tại nhiều nơi có dịch vẫn ngang nhiên buôn bán, tiêu thụ gà sống chưa qua kiểm dịch bất chấp lệnh cấm. Có nơi người dân còn “khai quật” cả gà đã bị tiêu hủy lên để tiêu thụ. Đó là một mối nguy hiểm to lớn đối với an toàn của toàn xã hội, xuất phát từ sự thiếu ý thức của một số bộ phận người dân. Những hành động như vậy cần được trừng trị đích đáng, và quan trọng hơn là cần được ngăn chặn ngay từ đầu.
Vậy một trong những câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để nâng cao nhận thức của người dân đối với sự nguy hiểm của vấn đề dịch bệnh?
Theo người viết, một giải pháp cần được tính tới chính là nâng cao hơn nữa nhận thức của chính quyền đối với vấn đề này bằng cách “an ninh hóa” mối đe doạ dịch bệnh.
Đến dịch bệnh trong nhận thức về an ninh
Trên thế giới, vấn đề dịch bệnh từ lâu đã được nâng lên thành một khía cạnh của an ninh. Tuy nhiên, an ninh ở đây không được hiểu theo cách hiểu truyền thống là an ninh quốc gia, mà được hiểu theo một cách hiểu mới. Sự thay đổi này trong nhận thức về an ninh gắn liền với sự ra đời của khái niệm “an ninh con người”.
Khái niệm “an ninh con người” lầu đầu tiên được nêu lên trong Báo cáo Phát triển Con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 1994.[1]Theo UNDP, khái niệm an ninh từ lâu được các nước hiểu theo nghĩa hẹp là an ninh quốc gia, đóng gói trong phạm vi các mối đe dọa đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, hay các vấn đề gắn liền với sự sinh tồn của một quốc gia như chiến tranh, chạy đua vũ trang, phổ biến vũ khí hạt nhân…
UNDP cho rằng trong nhận thức về an ninh của mình, các quốc gia đã không lưu tâm tới những mối lo lắng chính đáng về an ninh của những người dân bình thường trong cuộc sống thường nhật của họ. Chính vì vậy tổ chức này đã đề ra khái niệm “an ninh con người”, bao gồm 7 thành tố chính: an ninh kinh tế, an ninh lương thực, an ninh y tế, an ninh môi trường, an ninh cá nhân, an ninh cộng đồng, và an ninh chính trị.
Theo đó, bên cạnh các mối quan tâm về an ninh quốc gia, UNDP cho rằng mỗi nước cũng cần đảm bảo “an ninh” của từng người dân, hay nói cách khác là bảo vệ họ trước các mối đe dọa trong cuộc sống thường nhật liên quan đến các vấn đề như chính trị, kinh tế, lương thực, môi trường, y tế…
Riêng an ninh y tế trong phạm vi khái niệm an ninh con người gắn liền với việc bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân trước các mối đe doạ gây nên bởi bệnh tật, đặc biệt là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có thể cướp đi nhiều sinh mạng cùng một lúc.
Vấn đề an ninh con người trong hoạch định chính sách
Có thể nói chính sự ra đời của khái niệm an ninh con người đã tạo ra những thay đổi quan trọng trong nhận thức của nhiều quốc gia về khái niệm “an ninh”. Trong đó quan trọng nhất chính là nhận thức về hai khía cạnh: an ninh cho ai và an ninh trước các mối đe dọa nào?
Nếu như theo cách hiểu truyền thống, an ninh đồng nghĩa với an ninh quốc gia, trong đó quốc gia là chủ thể cần được bảo vệ về mặt an ninh, thì theo cách hiểu mới, con người nổi lên trở thành chủ thể chính của an ninh và cần được ưu tiên bảo vệ.
Bên cạnh đó, nếu như an ninh truyền thống (hay an ninh quốc gia) đề cao mối đe dọa đến từ ngoại xâm đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia thì an ninh con người tập trung vào các mối đe dọa thuộc “chính trị cấp thấp”, như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, bệnh dịch…
Mặc dù an ninh quốc gia và an ninh con người có cách tiếp cận khác nhau, nhưng chúng không hoàn toàn đối nghịch, mà ngược lại có mối liên hệ nhất định. Trong báo cáo công bố năm 2003 của mình, Ủy ban về An ninh Con người cho rằng nếu không có an ninh con người thì an ninh quốc gia sẽ không được bảo đảm và ngược lại.[2]
Theo đó, nếu người dân của một nước phải chịu đựng các vấn đề như nghèo đói, kém phát triển, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… thì sức mạnh của quốc gia đó sẽ suy giảm, làm ảnh hưởng tới khả năng tự vệ của quốc gia đó trước các nguy cơ xâm lược. Ngược lại, nếu một quốc gia bị xâm lược thì quốc gia đó cũng không thể có điều kiện đảm bảo an ninh của từng cá nhân người dân trong các vấn đề liên quan đến cuộc sống thường nhật của họ.
Chính vì vậy, có thể nói nâng cao an ninh con người, trong đó có an ninh y tế, chính là góp phần đảm bảo an ninh quốc gia và ngược lại.
Mặc dù còn một số tranh cãi đối với việc đưa an ninh con người vào chương trình nghị sự về an ninh của từng quốc gia cũng như cộng đồng quốc tế, nhưng trên thực tế khái niệm “an ninh con người” đã được nhiều quốc gia tiếp nhận và áp dụng vào các chính sách đối nội cũng như đối ngoại của mình.
Ví dụ như Nhật Bản, bên cạnh các chương trình nhằm nâng cao an ninh con người của người dân trong nước như các chính sách về phúc lợi xã hội, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường…, Nhật Bản cũng đã đưa an ninh con người trở thành một trọng tâm trong chính sách đối ngoại của mình.
Theo đó, chính sách ODA của Nhật Bản ưu tiên tài trợ cho các dự án, chương trình giúp nâng cao an ninh con người của người dân ở các nước mà Nhật Bản quan tâm.[3] Điều này giải thích tại sao nhiều dự án ODA của Nhật Bản ở nước ta cũng như nhiều nước khác tập trung vào các lĩnh vực như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, hay chăm sóc y tế, phòng chống dịch bệnh…
Như vậy, trong khi thế giới đã đưa khái niệm an ninh con người vào chính sách quốc gia của mình, thì phải chăng đã đến lúc Việt Nam cũng nên áp dụng cách tiếp cận mới này đối với vấn đề an ninh?
Trên thực tế, một số thành tố của an ninh con người đã ít nhiều được đề cập tới trên các phương tiện truyền thông nhưng nhìn chung ở Việt Nam khái niệm an ninh con người mới chỉ chủ yếu được nghiên cứu trong giới học thuật.
Các chính sách hay văn bản pháp luật chính thức của Việt Nam mặc dù hướng tới việc bảo vệ người dân trước các mối đe dọa về an ninh con người, nhưng các chính chính sách này vẫn chưa chính thức được đề cập tới như là những chính sách “an ninh con người” do việc áp dụng khái niệm “an ninh con người” vào khuôn khổ hoạch định chính sách quốc gia vẫn chưa diễn ra ở nước ta.
Lợi ích của việc đưa an ninh con người vào chính sách quốc gia
Có thể thấy rằng việc áp dụng cách tiếp cận an ninh con người trong hoạch định chính sách quốc gia sẽ mang lại cho Việt Nam nhiều lợi ích.
Về mặt ý nghĩa thực tế, việc đưa an ninh con người vào khuôn khổ chính sách quốc gia sẽ giúp chính quyền, các cơ quan chức năng, các nhà hoạch định chính sách tiếp cận và có nhận thức cao hơn đối với vấn đề an ninh con người, qua đó có những biện pháp và chính sách phù hợp để nâng cao toàn diện an ninh con người, góp phần gián tiếp củng cố và bảo vệ an ninh quốc gia.
Về mặt ý nghĩa biểu tượng, việc lấy an ninh của mỗi người dân làm trọng tâm trong khuôn khổ chính sách quốc gia sẽ làm nổi bật khía cạnh “vì dân” trong phương châm “nhà nước của dân, do dân, vì dân” của chúng ta.
Hơn nữa, việc đưa an ninh con người vào khuôn khổ chính sách quốc gia sẽ gửi tới cộng đồng thế giới một thông điệp tích cực về Việt Nam, không những góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế mà còn giúp chúng ta dễ dàng hơn trong việc kêu gọi tài trợ ODA, đặc biệt là đối với các dự án liên quan đến an ninh con người.
Quay trở lại vấn đề phòng chống dịch bệnh, có thể thấy việc coi dịch bệnh như một vấn đề an ninh con người sẽ có những lợi ích nhất định, trong đó ngoài việc tạo cơ sở pháp lý và củng cố quyết tâm của chính quyền trong đối phó dịch bệnh thì biện pháp này còn góp phần nâng cao ý thức của người dân trước các mối nguy hiểm do bệnh dịch gây ra.
Nếu chúng ta có các quy định pháp lý hoặc chính sách cụ thể coi các đại dịch là một mối đe dọa an ninh con người, gián tiếp ảnh hưởng an ninh quốc gia, thì rõ ràng nhận thức của người dân đối với sự nguy hiểm của dịch bệnh chắc chắn sẽ được nâng lên, đồng nghĩa với ý thức phòng chống dịch bệnh của người dân cũng sẽ tốt hơn.
Ví dụ như nếu mấy năm trước chúng ta coi dịch cúm gà là một mối đe dọa an ninh và ban bố tình trạng khẩn cấp đối với vấn đề này như cách một số nước hiện đang làm đối với dịch cúm A H1N1 thì chắc rằng khả năng người dân vi phạm lệnh cấm buôn bán gia cầm chưa qua kiểm dịch cũng như “khai quật” gà đã bị tiêu hủy sẽ giảm đi rất nhiều.
Quan trọng hơn, khi chúng ta coi dịch bệnh là một mối đe dọa trực tiếp an ninh con người và một mối đe dọa gián tiếp tới an ninh quốc gia thì những hành động làm phát tán dịch bệnh như những ví dụ nêu trên có thể bị coi là những hành vi vi phạm an ninh quốc gia. Các biện pháp chế tài đối với những hành vi vi phạm đó cũng sẽ nặng hơn, mang tính răn đe cao hơn đối với người dân, và vì thế đóng góp hiệu quả hơn cho nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh của các cơ quan chức năng .
Qua những phân tích trên, có thể thấy đã đến lúc cần chính thức đưa khái niệm an ninh con người cũng như các thành tố của nó, bao gồm cả an ninh y tế và vấn đề dịch bệnh, vào khuôn khổ chính sách quốc gia.
Ví dụ Đảng có thể xem xét đưa việc đảm bảo an ninh con người cho người dân vào các văn kiện của mình, hay Chính phủ có thể triển khai xây dựng chiến lược quốc gia về bảo vệ và nâng cao an ninh con người ở Việt Nam.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý nhằm bảo vệ và nâng cao an ninh con người ở Việt Nam, trong đó trước mắt có thể xem xét xây dựng Luật các Tình trạng Khẩn cấp nhằm tạo khuôn khổ pháp lý cho việc ứng phó với các vấn đề mang tính cấp bách, đe dọa an ninh con người trên quy mô lớn, trong đó có vấn đề thiên tai và dịch bệnh.
http://www.tuanvietnam.net/viet-nam-tu-dich-benh-den-an-ninh-con-nguoi
[1] UNDP. (1994). Human Development Report, 1994. New York: Oxford University Press.
[2] Ủy ban An ninh Con người. (2003). Final Report of the Commission on Human Security. http://www.humansecurity-chs.org/finalreport/English/FinalReport.pdf
[3] Bộ Ngoại giao Nhật Bản. (2007). Human Security: Japan”s Action. http://www.mofa.go.jp/policy/oda/sector/security/action.html