Đâu là giải pháp cho hòa bình Biển Đông?

[BBC Vietnamese] Nhằm giúp kiểm soát khả năng bùng nổ xung đột vũ trang ở Biển Đông, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gần đây đã ráo riết thuyết phục Trung Quốc tiến tới ký kết một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) nhằm thay thế cho Tuyên bố về cách ứng xử (DOC) của các bên ở Biển Đông được ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002.

Các cuộc đàm phán về COC từ lâu đã bị trì hoãn bởi Trung Quốc không muốn bị một bộ Quy tắc ứng xử như vậy trói buộc và hạn chế hành động trên Biển Đông.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, dường như Trung Quốc có dấu hiệu xuống nước và các cuộc đàm phán đã đạt được những tiến bộ khả quan hơn. COC tiếp tục sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự của hội nghị Ngoại trưởng ASEAN tại Bali tuần này.

Trước đó, hãng tin Kyodo dẫn dự thảo thông cáo chung của hội nghị cho biết ASEAN và Trung Quốc dự kiến sẽ hoàn tất dự thảo COC trước hội nghị thượng đỉnh ASEAN vào tháng 11 năm nay nhằm đánh dấu kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Trung Quốc.

Lý do quan trọng khiến ASEAN kiên trì theo đuổi COC về Biển Đông với Trung Quốc là bởi COC lâu nay vẫn được cho là có giá trị ràng buộc pháp lý cao hơn so với DOC, vốn chỉ là một tuyên bố thể hiện ý chí chính trị hơn là cam kết pháp lý của các bên tham gia.

ASEAN hy vọng rằng một Bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc pháp lý cao hơn sẽ khuyến khích Trung Quốc không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong giải quyết tranh chấp Biển Đông.

Mối quan tâm này càng trở nên lớn hơn trong bối cảnh Trung Quốc gần đây tỏ ra ngày càng kiên quyết và hiếu chiến hơn trên Biển Đông.

Giá trị pháp lý của COC

Tuy nhiên, trong khi thuyết phục Trung Quốc chịu đàm phán và ký kết COC là một nhiệm vụ khó nhọc cho ASEAN, thì bản thân COC có thể sẽ không tạo nên khác biệt lớn trên thực tế trong việc giúp các nước ASEAN đối phó thành công với người láng giềng khổng lồ của mình trên Biển Đông.

Lập luận cho rằng COC có giá trị pháp lý ràng buộc cao hơn so với DOC cũng không thực sự vững chắc.

Thứ nhất, khái niệm COC chủ yếu áp dụng đối với tổ chức, chẳng hạn như các cơ quan chính phủ hoặc các tập đoàn đa quốc gia, mặc dù một số lập luận cho rằng COC cho các cá nhân và tổ chức cũng có thể được áp dụng đối với cộng đồng quốc tế thông qua hình thức COC giữa các quốc gia với nhau.

Điều này về cơ bản biến các COC trở thành một trong những nguồn của công pháp quốc tế. Trên thực tế, một số COC giữa các quốc gia đã được hình thành, chẳng hạn như Bộ quy tắc ứng xử về đánh cá có trách nhiệm của FAO năm 1995 hay Bộ quy tắc ứng xử La Haye về chống phổ biến tên lửa đạn đạo năm 2002.

Tuy nhiên, các COC này vẫn chỉ được coi là “luật mềm”, hay các văn bản quy phạm không mang tính ràng buộc.

Thứ hai, hiện tại các văn kiện pháp lý về điều ước quốc tế, đặc biệt là Công ước Viên về Luật Điều ước quốc tế năm 1969, không đề cập đến giá trị pháp lý của COC.

Tương tự, pháp luật quốc gia cũng bỏ ngỏ vấn đề này. Ví dụ, Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện Điều ước quốc tế năm 2005 của Việt Nam thậm chí không đề cập đến COC, chứ chưa nói đến giá trị pháp lý của chúng.

Luật pháp quốc gia của Trung Quốc và các nước ASEAN khác cũng không xem COC như là một nguồn nghĩa vụ pháp lý quốc tế của họ.

Thứ ba, do có giá trị pháp lý không rõ ràng, việc thực hiện COC cũng có thể gặp phải các thách thức về mặt kỹ thuật.

Ngay cả khi Trung Quốc chịu ký kết COC về Biển Đông nước này vẫn có thể biện minh cho việc vi phạm COC sau này bằng cách tuyên bố rằng luật pháp quốc gia của Trung Quốc không công nhận COC như là một nguồn nghĩa vụ pháp lý quốc tế của quốc gia này.

Trong bối cảnh đó, một câu hỏi cần đặt ra là: Tại sao ASEAN phải đầu tư công sức cho một COC có thể không mang lại nhiều hiệu quả hơn là bao so với DOC trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc và đảm bảo nước này tôn trọng cam kết giải quyết hòa bình các tranh chấp?

Có thể thấy, ASEAN có một số lý do chính như sau trong việc theo đuổi COC:

Thứ nhất, ngay cả khi COC không có giá trị ràng buộc pháp lý cao thì việc cho ra đời COC vẫn có những giá trị tích cực, nhất là đối với các nước tranh chấp thuộc ASEAN.

Như một số nhà nghiên cứu đã chỉ ra, COC sẽ giúp tiếp tục xây dựng lòng tin, thúc đẩy hòa bình, ổn định, khuyến khích hợp tác khai thác và quản lý Biển Đông một cách hòa bình, tối ưu, phù hợp với các quy định luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật biển 1982.

Ngoài ra, trên nền tảng kế thừa DOC, COC có thể bổ sung các quy định giúp xác định rõ những hành vi không được phép ở Biển Đông, cũng như những điều kiện và cơ chế thích hợp cho phép ngăn ngừa vũ lực, giảm thiểu căng thẳng khi nảy sinh đụng độ như trong vụ Bình Minh 02 ngày 26/5/2011 vừa qua.

Thứ hai, việc thuyết phục được Trung Quốc ký kết COC sẽ là một thắng lợi chính trị đối với các nước ASEAN, bởi lẽ văn kiện này do chính ASEAN khởi xướng.

Điều này giúp ASEAN thể hiện vai trò chủ động của mình trong giải quyết tranh chấp Biển Đông cũng như đảm bảo hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Thứ ba, việc thông qua được COC sẽ là một chỉ dấu cho thấy cách tiếp cận đa phương là một giải pháp khả thi nhằm quản lý xung đột Biển Đông. Điều này giúp các nước tranh chấp thuộc ASEAN có lý do để bác bỏ cách tiếp cận song phương mà Trung Quốc đang một mực theo đuổi.

Hiệp ước Biển Đông?

Tuy nhiên, bất chấp những thực tế trên, xét một cách tổng thể, việc thông qua COC sẽ không thực sự có ý nghĩa nếu như Trung Quốc tiếp tục không tôn trọng COC như đã từng làm đối với DOC.

Chính vì vậy, để ràng buộc Trung Quốc vào luật chơi chung mang tính hòa bình, ASEAN cần hướng tới một văn kiện có tính ràng buộc pháp lý cao hơn so với COC.

Giải pháp đơn giản nhất chính là thay vì dựa vào COC nhằm hóa giải mối đe dọa từ Trung Quốc, ASEAN cần hướng tới một Hiệp ước về ứng xử của các bên ở Biển Đông. Một hiệp ước quốc tế rõ ràng có giá trị ràng buộc pháp lý cao hơn hẳn so với COC hay DOC, đồng thời sẽ gây nên ít vấn đề kỹ thuật hơn trong quá trình thực hiện.

Một hiệp ước như vậy có thể sử dụng Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác ở Đông Nam Á năm 1976, về bản chất cũng là một hiệp ước điều chỉnh hành vi giữa các quốc gia Đông Nam Á với nhau, như là một mô hình tham khảo.

Hiệp ước này theo đó có thể được đặt tên là “Hiệp ước về Hòa bình và Thịnh vượng ở Biển Đông”.

Sẽ có lập luận cho rằng thúc đẩy một hiệp ước như vậy trong bối cảnh hiện nay là không thực tế, vì Trung Quốc thậm chí còn không hào hứng với một COC vốn có tính ràng buộc thấp hơn.

Trong trường hợp đó, COC có thể đóng vai trò như một bước đệm. ASEAN cần đưa Hiệp ước về ứng xử của các bên ở Biển Đông vào tầm nhìn dài hạn của mình và thiết lập một lộ trình hướng tới mục tiêu này.

Ngay cả khi Trung Quốc chống lại một hiệp ước như vậy thì các nước thành viên ASEAN vẫn có thể đàm phán và ký kết hiệp ước này với nhau, sau đó mở cho các bên quan tâm khác tham gia.

Một khi các nước khác trong khu vực, chẳng hạn như Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Australia và Ấn Độ, đã tham gia hiệp ước, Trung Quốc sẽ chịu áp lực rất lớn nếu đứng ngoài.

Rốt cuộc, một hiệp ước về ứng xử của các bên ở Biển Đông mặc dù có thể gặp nhiều khó khăn và phức tạp hơn trong quá trình đàm phán, nhưng sẽ mang lại giá trị vững chắc và lâu dài hơn so với COC trong việc đảm bảo hòa bình ở Biển Đông trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung Quốc.

Vấn đề bây giờ chủ yếu thuộc về các nước thành viên ASEAN vốn vẫn đang tỏ ra bị chia rẽ trong việc cần phải đối phó như thế nào với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc của mình.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2011/07/110720_asean_coc.shtml

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: